Phần 2: Những thất bại đầu tiên

50k$ bắt đầu từ đâu? Vài trang proposal, vài email, vài lần trình bày, khi đã tin rồi thì gặp mặt, nói chuyện, trao đổi các vấn đề liên quan và không liên quan đến dự án. Thiết nghĩ, việc khách hàng quyết định đầu tư phần lớn dựa vào sự đánh giá chủ quan, mức độ tin tưởng hay trực giác của họ về đối tác sẽ cùng làm, vì nói cho cùng, có chắc mình sẽ làm được việc hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Theo kiểu dân gian, quan trọng là ‘có duyên’ với nhau trước đã! Tuy nhiên, một số việc sau đây nghĩ là quan trọng:

  • Tác phong luôn nghiêm túc, phải luôn luôn đúng giờ, không sớm quá, không trễ, nếu trễ phải thông báo trước là trễ bao lâu.
  • Có và thể hiện được mình có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đang tham gia, nắm vững và tự tin để trao đổi các ý tưởng. Tuy nhiên, phải thành thật với bản thân và với nhà đầu tư, đừng quá hăng khí thế mà ‘chém gió bẻ măng’, cái nào biết thì nói biết, cái nào không biết thì nói không biết, suy luận hợp lý nhưng đừng võ đoán.
  • Xây dựng được mạng lưới các mối quan hệ về công việc và lĩnh vực liên quan, để khi nói chuyện có thể nhắc đến những người đôi bên cùng biết, cũng như cách giải quyết công việc khi cần nhờ đến các hỗ trợ bên ngoài (không ai tự mình làm hết được tất cả mọi việc, phải không nào?).

Ở đây chưa nói đến ý tưởng sản phẩm có khả thi hay không, có thị trường hay không? <sẽ nói đến ở phần các giai đoạn sáng tạo trong phát triển sản phẩm> Khách hàng nêu vấn đề, mình trình bày giải pháp và thuyết phục được họ đầu tư, coi như thành công bước đầu.

Làm gì với số tiền ước tính sẽ sử dụng (được đầu tư):

  • Xây dựng cơ sở phòng ốc và trang thiết bị ban đầu.
  • Thuyết phục những anh em có ‘máu mặt’, có kiến thức về sản phẩm trong network về cùng hợp tác làm.
  • Cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho anh em làm việc, giao cho anh em chịu trách nhiệm về sản phẩm.
  • Kêu gọi hỗ trợ của các nhà cung cấp/phân phối cùng hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Thực tế đã làm vậy, nghe có vẻ hợp lý và đúng đắn; tuy nhiên sai lầm bắt đầu ở đó.

  • Không theo mô hình tinh gọn khi startup, thay vì kiếm 1 chỗ được miễn phí chi phí thuê mặt bằng (thời điểm đó có nhiều lời đề nghị để có chỗ miễn phí) thì lại đi thuê mặt bằng – tốn kém lần thứ nhất.
  • Hăm hở trang bị cơ sở vật chất cho chỗ làm việc mới– tốn kém lần thứ hai.
  • Không dễ để các anh em có ‘máu mặt’ làm cùng với nhau, và khi không phải là người cuối cùng chịu trách nhiệm về sản phẩm đang phát triển, sản phẩm dễ phát triển khác định hướng ban đầu và không kiểm soát được về thời gian.

Rồi mọi chuyện bắt đầu phát sinh, đời không như là mơ:

  • Trưởng phòng R&D gặp việc gia đình xin nghỉ.
  • Kỹ sư thiết kế chính xin nghỉ để theo đuổi ước mơ riêng.
  • Bạn điều phối dự án xin nghỉ vì có baby.

Lúc dầu sôi lửa bỏng hầu như cả team chính lần lượt ra đi vì những lý do không thể từ chối. Làm hardware có cái phũ phàng là không dễ kế thừa, mỗi lỗi sai có thể phải trả giá bằng việc làm lại mẫu thử, mà mỗi mẫu thử lại phải tốn tiền và thời gian để làm.

Giờ làm gì đây, tiền dự án đã đầu tư gần hết, những người chính tin tưởng trao số phận lại lần lượt rủ nhau ra đi đúng lúc cần họ nhất?

Nghĩ về quãng đường đã qua, khoản tiền đã dùng,

Nghĩ về những người đã tin tưởng đầu tư,

Nghĩ nếu mình bỏ ngang,

Nghĩ danh dự, uy tín người Việt có suy giảm thêm nếu mình từ bỏ

Nghĩ về những anh em còn đồng lòng ở lại cùng công ty vượt qua khó khăn,

Nghĩ mình có thể làm tiếp đến thành công không?

Nghĩ về khoản tiền sắp tới cần có nếu tiếp tục làm,

Nghĩ về nhiều thứ mông lung…

Trải qua nhiều ngày đêm căng thẳng. Nghĩ về con đường đang đi, con đường đã chọn, về nhiều ngã rẽ khác.

Rồi trở dậy mạnh mẽ, quyết định không thể từ bỏ, thông báo với khách hàng về tình hình thực tế, xoay sở mọi cách để kiếm tiền tiếp tục chiến đấu, lên tinh thần cho anh em còn lại, phát triển sản phẩm theo định hướng ban đầu. Liên tục 3-4 tháng cũng xong cơ bản, khách hàng cuối cùng cũng hài lòng về sản phẩm. Tinh thần nhẹ nhõm nhưng cục nợ ngang ngửa 50k$ bắt đầu xuất hiện. Hi vọng sản phẩm thương mại để có thể kiếm phần trả lại các khoản vay nhưng thời thế đổi thay, tình hình thị trường thay đổi, sản phẩm chưa/không phù hợp nữa nên nhà đầu tư tạm gác lại.

Hết năm rưỡi khỏi nghiệp, 50k$ đầu tư đã xài hết và ghi nợ thêm 50k$ nữa, đời không như là mơ, nghiên cứu khoa học không chỉ là các con số, hình vẽ. Bài học khởi nghiệm đầu tiên cũng đắt đỏ phếch!

Cười nhạt, thôi đành: Cơm áo không đùa với khách thơ…

<Phần tiếp: Các giai đoạn sáng tạo sản phẩm>

This entry was posted in myself, Tuổi trẻ. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.