Những chuyện không đầu không cuối về việc R&D, sản xuất sản phẩm/cung cấp giải pháp Điện tử/công nghệ.
R&D luôn là một vùng đất mạo hiểm nhưng đầy quyến rũ cho những người muốn phiêu lưu, những ‘tay chơi công nghệ’.
Việc hiện thực hóa một sản phẩm, một hệ thống từ ý tưởng là một quá trình đầy thử thách, đòi hỏi lòng đam mê, sự kiên nhẫn, nhiều kiến thức, kĩ năng,…
Có nhiều dự án, mất vài năm để thực hiện, đầu tư rất nhiều, nhưng khách hàng không đón nhận, bán được một vài đợt rồi đi vào quên lãng.
Nhưng lại có những dự án, làm đơn giản, trong thời gian ngắn, đầu tư khiêm tốn, lại bán rất chạy.
Dù có rất nhiều phân tích trước khi quyết định thực hiện một dự án nào đó, nhưng kết quả thực tế của việc R&D và phát triển sản phẩm mới, xét về mặt nào đó, cũng giống như đi câu cá mà thôi. Có lúc cần câu xịn, ao rộng, mồi ngon, người câu có kĩ thuật, mà ngồi từ sáng đến tối chỉ được vài chú cá tẻo teo. Có lúc móc em giun ngo ngoe, mà cứ quẳng xuống cá lại đớp mồi liên tục…
Việc phân tích, dự báo, được tiến hành trước khi dự án thực sự bắt đầu, nghĩa là trước khi ra mắt sản phẩm cả năm, hoặc thậm chí nhiều năm [1]. Trong khi khoa học công nghệ phát triển không ngừng, nên những gì thực tế của 1 năm sau, khi sản phẩm thực sự ra mắt; đã thay đổi rất nhiều, những dự báo trước đó [2] có thể không còn phù hợp nữa. Tệ hơn, sản phẩm của mình chưa ra mắt, đã có người khác giới thiệu sản phẩm tương tự.
Chính điều đó đã khiến cuộc chơi công nghệ thú vị thành một cuộc đua đầy hấp dẫn và khốc liệt.
Chú thích:
[1]: Với các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm thương mại, thời gian thường dưới 1-3 năm. Với các dự án nghiên cứu công nghệ mới, có thể 5-10 năm sau hoặc lâu hơn mới có ứng dụng.
[2]: Những dự báo, phân tích ban đầu ảnh hưởng rất lớn đến việc thiết kế sản phẩm, dù trong suốt quá trình luôn được cập nhật những dự báo, phân tích tình hình ở hiện tại, nhưng có nhiều vấn đề không thể thay đổi khi đã bắt đầu, vì nếu thay đổi, giống như làm lại 1 dự án khác.